Phong Phi lập Hậu Trương_hoàng_hậu_(Đường_Túc_Tông)

Ngày Giáp Tý (tức ngày 12 tháng 8) cùng năm, Thái tử Lý Hanh xưng Hoàng đế ở Linh Vũ, tức là Đường Túc Tông, vọng tôn Đường Huyền Tông làm Thái thượng hoàng.

Từ cuối năm Chí Đức nguyên niên, hai nước Hồi HộtThổ Phiên cử sứ giả đến đề nghị cùng nhau phá quân Yên. Đáp lại, Túc Tông quyết định hòa thân với Hồi Hột, phong cho con gái Hồi Hột Khả hãn làm Công chúa, từ đó hai nước kết minh, cùng nhau chống An Sử. Cuối năm đó, Hồi Hột Khả hãn sai quân tiến vào lãnh thổ nhà Đường, hợp với Quách Tử Nghi đại phá quân Yến ở Đồng La. Đầu năm Chí Đức thứ 2 (757), một cuộc tranh chấp nổ ra trong nội bộ triều đình lưu vong khi Trương lương đệ liên kết với Nội giám Lý Phụ Quốc, kết bè đảng trong triều. Kiến Ninh quận vương Lý Đàm không vừa lòng, bảo Lý Bí:"Bọn họ Trương, họ Lý ghen ghét hãm hại anh em ta, nếu không trừ thì không xong".

Lý Bí thất kinh, cố khuyên Kiến Ninh quận vương chưa nên kinh động kéo hại đến thân, thế nhưng vương không nghe. Nhiều lần ở trước mặt Túc Tông, Kiến Ninh kể tội bọn đàn bà và quan thị độc ác, nham hiểm. Sau đó, Kiến Ninh còn lập mưu định giết Trương lương đệ, Lý Phụ Quốc. Trương Lương đệ và Lý Phụ Quốc lo sợ nên trước mặt Túc tông đã dâng sớ đàn hặc, gièm pha vu cáo Kiến Ninh quận vương có ý giết Hoàng trưởng tử là Quảng Bình vương Lý Thục, tiếm ngôi:"Lý Đàm xưa nay chỉ hận không được lĩnh chức tổng binh, đến nay đã có ý đồ khác"[10]. Đường Túc Tông tức giận hạ lệnh ép Lý Đàm phải uống rượu độc tự sát[11].

Mùa đông năm Chí Đức thứ 2, sau khi quay lại Trường An, các con trai Trương lương đệ là Lý Thiệu phong Hưng vương (興王), Lý Đồng phong Định vương (定王). Sang năm Càn Nguyên (758), Trương Lương đệ được sách phong làm Thục phi (淑妃), tặng cha là Khứ Dật làm Thượng thư Tả bộc xạ (尚書左仆射), mẹ là Đậu thị phong "Nghĩa Chương Huyện chúa" (義章縣主). Em trai bà là Trương Thanh (张清) thành hôn với Đại Ninh quận chúa (大寧郡主), con gái thứ năm của Lý Hanh, còn một người em trai khác là Trương Tiềm (张潛) thành thân với Diên Hòa quận chúa (延和郡主), các chị em gái cũng thụ phong tước hiệu, như chị Trương thị là vợ của Lý Đàm (李曇) thụ phong tước hiệu "Thanh Hà quận phu nhân" (清河郡夫人), em gái Trương Sư Sư phong "Thành Quốc phu nhân" (郕國夫人)[12][13]. Cũng năm ấy, tháng 4, Túc Tông quyết định lập Trương Thục phi làm Hoàng hậu. Trước đó, Túc Tông cho lập Quảng Bình vương Lý Thục làm Hoàng thái tử, đổi tên là Lý Dự. Tuy nhiên, lúc đó Trương hậu không phục Lý Dự mà muốn ngôi vị Thái tử phải thuộc về con trai mình là Hưng vương Lý Thiệu. Thái tử Lý Dự do đó rất lo sợ, nên tỏ ra khiêm nhường và cung kính đối với Trương hoàng hậu.

Năm Thượng Nguyên nguyên niên (760), tháng 3, triều đình hội nghị, quyết định phong cho Trương Hoàng hậu tôn hiệu Dực Thánh (翊聖). Đại thần lên tiếng phản đối vì trước đây chưa có tiền lệ phong tôn hiệu cho Hoàng hậu. Sau đó trong nước có nguyệt thực, Túc Tông bèn bỏ ý định này[14][15][16]. Tuy nhiên lúc đó trong cung cấm, Trương Hoàng hậu cũng đã liên kết với hoạn quan Lý Phụ Quốc, can dự triều chính và có âm mưu phế lập Thái tử, tạo thành một thế lực mới trong triều. Cùng năm, ngày 26 tháng 6 (âm lịch), Hưng vương Lý Thiệu bệnh chết, trong khi người con trai còn lại của Hoàng hậu là Định vương Lý Đồng còn nhỏ tuổi, nên ngôi vị của Lý Dự tạm thời không bị đe dọa[17]. Lý Phụ Quốc và Trương Hoàng hậu ngày một ngang ngược hống hách trong triều, lại nắm được binh quyền ở kinh đô nên cả Túc Tông cũng phải e dè, nạn hoạn quan lộng quyền nửa cuối thời Đường được khơi nguồn từ đó. Trương hoàng hậu sủng bế chuyên phòng, thường được nhận triều bái của mệnh phụ ở Quang Thuận môn (光順門), thế lực càng mạnh mẽ, can dự cả vào triều chính dù không công khai như Võ Tắc Thiên hay Vi Thái hậu khi trước[18].

Bà thấy Huyền Tông Thượng hoàng ở tại Hưng Khánh cung (興慶宮) già cả yếu đuối, cũng không thèm tôn trọng gì cả. Túc Tông nhiều lần muốn thăm Thượng hoàng cũng bị Trương hoàng hậu ngăn trở. Nhân đó, Lý Phụ Quốc liên kết với Trương hoàng hậu, nhân Thượng hoàng ra cưỡi ngựa, Lý Phụ Quốc ép buộc ông phải trở về cung điện, không lâu sau giả lệnh Túc Tông, xin Thượng hoàng đến Tây Nội bàn việc, lúc này Túc Tông đang bị bệnh không xuống giường được. Khi sắp tới Tây Nội, Thượng hoàng thấy Lý Phụ Quốc mặc võ phục, đeo kiếm, dẫn mấy trăm quân sĩ, vác thương, cầm kiếm, xếp hàng hai bên đường, nên lo sợ. Cao Lực Sĩ mắng Lý Phụ Quốc, do đó Phụ Quốc phải lui ra. Nhưng Thượng hoàng bị giữ lại ở Cam Lộ điện (甘露殿) trong Tây Nội[19].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trương_hoàng_hậu_(Đường_Túc_Tông) http://www.sidneyluo.net/a/a16/052.htm http://www.sidneyluo.net/a/a17/047.htm http://www.sidneyluo.net/a/a17/077.htm http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... https://web.archive.org/web/20080921035212/http://... https://web.archive.org/web/20081011061009/http://... https://web.archive.org/web/20090202171305/http://... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%96%B0%E5%94%90%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%88%8A%E5%94%90%...